Thịt vịt có tính mát, vì thế, khi được hầm cùng với hạt sen sẽ tạo ra một món ăn bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt cơ thể. Đặc biệt, món ăn này vô cùng thích hợp cho những người bị nóng trong hay những người đang bị suy nhược, ốm sốt và phụ nữ đang mang thai. Cách làm món thịt vịt hầm hạt sen khá đơn giản nhưng bạn phải mất kha khá thời gian để hầm đấy. Vì vậy, các bạn hãy tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện món ăn này để bồi bổ cho bà bầu theo công thức bên dưới nhé.
Mục Lục
Bà bầu ăn thịt vịt có tốt không?
Thịt vịt chứa các thành phần protein, chất béo, đường, vitamin B1, vitamine B2, và canxi, natri, clo, sắt… Đây đều là những khoáng chất rất tốt cho bà bầu. Hơn nữa, thịt vịt lại rất “lành tính”. Vì vậy, các mẹ bầu hoàn toàn yên tâm khi ăn thịt vịt nhé.

Những lưu ý khi bà bầu ăn thịt vịt
– Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn.
– Không ăn thịt vịt với chao đậu, thịt ba ba, thịt rùa đen…
– Không ăn trứng vịt với thịt ba ba, quả dâu, quả mận…
Thịt vịt hầm hạt sen cho bà bầu
Nguyên liệu chuẩn bị
- Thịt vịt: 700g
- Hạt sen khô: 50g
- Nấm hương: 20 cái
- Cà rốt: 1 quả
- Dừa xiêm: 1 quả
- Hành, tỏi, gừng.
- Nước tương, muối, hạt nêm, rượu trắng, mắm.
Cách thực hiện
Bước 1
Vì thịt vịt có mùi hôi đặc trưng rất khó chịu. Nên nếu không biết cách xử lý, món ăn hoàn thành sẽ mất hấp dẫn đấy. Bí quyết để khử mùi hôi của vịt đó là hòa rượu cùng muối và gừng, sát kỹ lên mình vịt, bóp nhẹ khoảng 30 phút rồi rửa lại 2 – 3 lần bằng nước sạch. Làm như vậy thịt vịt sẽ thơm ngon hơn rất nhiều nhé. Sau đó các bạn chặt vịt thành những miếng to (chặt thành 2 – 3 miếng) rồi để ráo nước. Rồi ướp vịt với 2 thìa cà phê nước tương + 2 thìa cà phê bột nêm + 1 thìa cà phê tiêu trong khoảng 20 phút cho thịt vịt ngấm kỹ gia vị.
Bước 2
Hành tỏi các bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi bằm nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, thái khoanh tròn dày khoảng 1.5 – 2 cm. Dừa xiêm chặt vỏ, lấy phần nước dừa. Nấm hương các bạn ngâm với nước ấm khoảng 10 phút cho nấm nở to và mềm ra, rồi nhặt bỏ phần gốc. Hạt sen khô các bạn cũng ngâm nước ấm khoảng 10 phút, rửa sạch lại rồi để ráo nước.
Bước 3
Các bạn đặt 1 chiếc chảo lên bếp, bật lửa vừa. Cho vào nồi khoảng 1 muỗng canh dầu ăn đun sôi. Sau đó các bạn cho hết phần hành tỏi khô băm nhỏ vào phi thơm. Khi thấy dậy mùi thơm, các bạn tiếp tục cho thịt vịt vào nồi xào đến khi thấy thịt săn lại thì các bạn cho hạt sen và cà rốt vào nồi và đổ thêm nước dừa cùng với nước lọc sao cho lượng nước xâm xấp mặt vịt là được nhé.
Các bạn bật lửa to đến khi thấy nước trong nồi sôi lên thì các bạn giảm lửa nhỏ và ninh vịt trong khoảng 50 – 60 phút để vịt và hạt sen chín mềm nhừ. Các bạn cho thêm nấm hương vào nồi đun thêm khoảng 5 phút nữa thì nêm nếm lại gia vị cho thật vừa miệng rồi tắt bếp. Múc ra bát tô để cả nhà cùng thưởng thức thôi nào.
Chú ý khi chế biến
Chọn vịt vừa phải, không nên non quá, món hầm sẽ nát. Và tất nhiên, mẹ nên mua vịt ở những nơi đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã qua kiểm dịch để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà.
Bên cạnh đó, hạt sen tươi mẹ nên cho vào sau cùng, khi thịt vịt đã được hầm kỹ và chín mềm. Để đảm bảo hạt sen không bị vỡ nát, món ăn kém đẹp. Có thể thay hạt sen tươi bằng hạt sen khô. Nhưng trước khi nấu nên ngâm hạt sen từ 2-4 tiếng cho mềm.
Thành phẩm

Từng miếng thịt vịt được xử lý kỹ không còn mùi hôi khó chịu lại được hầm nhừ với hạt sen. Tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon, bùi ngọt và cực bổ dưỡng. Tuy mất khá nhiều thời gian để ninh cho từng miếng thịt vịt được mềm nhừ, hòa quyện cùng hương vị của hạt sen, nấm hương cùng mùi thơm ngọt lành của nước dừa. Nhưng các công đoạn cũng như các nguyên liệu của món ăn này lại khá là đơn giản. Nên tranh thủ những ngày cuối tuần, chị em mình hãy thực hiện món ăn này vừa để đổi món cho gia đình, vừa để bồi bổ cho bà bầu nhé!