Dù là quán cà phê vỉa hè, ven đường hay những quán cà phê sang trọng, mỗi thực khách sẽ có những thú thưởng thức cà phê vô cùng riêng biệt. Đã từ lâu, việc thưởng thức cà phê trở thành thú vui tao nhã của những người dân Việt Nam. Cũng chính vì điều đó mà đâu đâu chúng ta cũng đều dễ dàng mua được một ly cà phê ngon lành. Điều thú vị đó chính là ở thời điểm nào trong ngày cũng đều có khách uống cà phê. Cùng mvvvvp tìm hiểu về những nét độc đáo về văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Thú thưởng thức cà phê của người Việt
Nhiều người còn coi thức uống có vị ngọt đắng nồng đượm này như “cơm ăn ba bữa”. Bởi theo họ cảm giác thư giãn tuyệt vời khi nhìn từng giọt cà phê rơi. Khoảnh khắc đó đem lại cho người thưởng thức một khoảng không gian rất riêng.
Những tưởng chỉ dành riêng cho người giàu, kẻ sang. Hóa ra cà phê “tan” ngay vào đời sống bình dân. Trở thành một nét văn hóa rất Việt. Hương vị cà phê đậm đà đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân. Sự tinh tế của cà phê Việt thể hiện ở nét văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê khác lạ của người Việt.

Người Việt có phong cách thưởng thức cà phê rất riêng. Họ không coi cà phê là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ như người Mỹ: nhâm nhi và suy tưởng. Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc. Hay trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn. Hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người… Bên ly cà phê nhỏ giọt, ta như tĩnh tâm hơn, trầm ngâm. Gợi cho ta những nỗi vui buồn, những kỷ niệm. Bởi thế cà phê rất kỵ sự ồn ào thái quá.
Có lẽ chính cốt cách của người Việt, chậm rãi và chừng mực, không chịu được sự ồn ào. Nên cà phê Việt mới có một cách thưởng thức riêng như vậy. Chỉ là đơn giản ngồi một góc nhỏ hay bất cứ đâu cũng có thể thưởng thức ly cà phê đậm đà.
Không đơn thuần là giải khát
Người Việt uống cà phê buổi sớm, trưa, tối, uống khi buồn, khi suy tư, khi căng thẳng, khi vui, khi cần chia sẻ, khi làm việc hay uống vì thói quen không thể bỏ… Và không gian uống cà phê cũng đã ảnh hưởng đến thú vui thưởng thức thanh tao này.
Không chỉ vậy, người Việt Nam cùng dùng cà phê theo cách rất riêng. Mỗi vùng và mỗi độ tuổi thưởng thức theo kiểu khác nhau. Gu thưởng thức cũng không theo chuẩn mực nào. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi. Họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hay cà phê sữa đá.

Có người thích một cốc nâu đá pha sẵn đặc quánh ngọt lừ, có người chỉ say mê những giọt cà phê thong thả rơi từ chiếc phin cũ. Lại có người thích uống cà phê đánh ực như uống một liều thuốc “tỉnh người”. Nhưng phải công nhận một điều là cảm giác thư giãn nhìn người ta rót nước sôi xong ngồi chờ cà phê nở ra ngấm nước rồi chắt lọc từng giọt, rất đặc biệt. Khoảnh khắc đó đem lại cho người thưởng thức một khoảng không gian riêng. Thời gian như được kéo giãn ra nhiều lần.
Có lẽ để nói về thú thưởng thức cà phê của người Việt, ta còn rất nhiều chuyện để nói. Nhưng chắc chắn một điều là chính cách của người Việt đã mang đến sự lãng mạn và thơ mộng. Đặc biệt cho thứ đồ uống nhanh này.
Kết luận
Cà phê không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, hương thơm dịu, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây… Và cứ thế, cà phê đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Dù văn hóa thưởng thức cà phê có nhiều thay đổi theo sự phát triển từng ngày của xã hội nhưng những ly cà phê đậm, đắng, thơm ngậy,… luôn là thức uống chưa bao giờ đánh mất vị trí của mình trong lòng những tín đồ cà phê Việt.